Chiều 12/12, Đội Kiểm soát, Cục Hải quan Hải Phòng mở container hàng được khai là hàng thủ công mỹ nghệ. Khi cán bộ hải quan mở lô hàng, bên trong đúng là các hộp đựng hàng thủ công mỹ nghệ, tuy nhiên toàn bộ số hàng này đều đã dập, vỡ hoặc vừa chạm vào là vỡ. Mở toàn bộ số hộp giấy đựng hàng mỹ nghệ ra thì thấy đúng là có các bao len như tờ khai, tuy nhiên bên trong các bao len này lại là các thân cây gỗ, cưa đôi khúc gỗ thấy bên trong ruột có màu đỏ tía.

Theo kết quả giám định của Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, toàn bộ số gỗ này là gỗ quý, có tên khoa học là Pterocarpus santalinus (đàn hương đỏ) Ấn Độ. Đây là một loại gỗ quý, có trong danh mục các loài thực vật hoang dã đã rơi vào tình trạng nguy cấp và cấm buôn bán theo Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã.
Điều đáng nói, lô hàng có tổng cộng tới 8 container và các container này khi khui ra bên trong đều là gỗ quý được ngụy trang bằng hàng thủ công mỹ nghệ. Tổng số gỗ này ước tính vào khoảng 40m3, tương đương 80 tấn.
Theo tìm hiểu của nhóm phóng viên, loại gỗ đàn hương quý này được mua bán với giá 2 triệu đồng/kg, chuyên dùng để chế tác đồ tâm linh như tượng, tràng hạt hoặc đồ thủ công mỹ nghệ cao cấp.
Cục Hải quan Hải Phòng cho biết, khi tiếp cận người nhận hàng có ghi rõ tên tuổi, địa chỉ trong vận đơn, họ đã từ chối lô hàng với lý do… chuyển nhầm.
Những chiêu luồn lách nhập gỗ đàn hương đỏ
Khi có thông tin Hải quan Hải Phòng bắt giữ 40m3 gỗ đàn hương đỏ Ấn Độ, chúng tôi đã lần mò hỏi một số đại gia gỗ ở Hải Phòng. Đa số mọi người đều biết việc 8 container gỗ quý bị bắt. Tuy nhiên, con số 40m3 gỗ quý đàn hương đỏ Ân Độ (giáng hương Santa) với tổng trọng lượng ước tính 80 tấn được coi là rất nhỏ trong giới xuất nhập khẩu gỗ? Một đại gia gỗ đất Cảng úp mở: “Công ty nhập khẩu lô gỗ kia chắc là công ty chưa có kinh nghiệm vì số lượng hàng còn ít.
Hơn nữa, chẳng công ty nào lại ngớ ngẩn đến mức để mặt hàng gỗ với những mặt hàng linh tinh làm thủ tục xuất nhập khẩu. Nếu mặt hàng gỗ ngụy trang cùng mặt hàng gỗ, chắc chắn công hàng sẽ trót lọt. Gỗ đi kèm với những mặt hàng ít giá trị thì ai cũng hiểu mặt hàng ít giá trị sẽ là thứ ngụy trang. Bản thân lô hàng sẽ có vấn đề ngay lập tức.
Cũng theo đại gia gỗ trên, mỗi lần nhập hàng về, các công ty lớn thông thường nhập từ 40- 50 công gỗ. Gỗ đóng và vận chuyển trong các công hàng từ nước ngoài về Việt Nam mất khoảng 3- 4 tháng nên hầu hết các công hàng gỗ thường có mùi hôi thối. Chính vì thế, trong 40- 50 công hàng gỗ về Việt Nam sẽ rất khó xác định có bao nhiêu công có gỗ lậu.
Các loại gỗ quý như đàn hương đỏ Ấn Độ được nhập lậu qua Việt Nam rồi tuồn sang Trung Quốc là vì thủ tục Hải quan của Việt Nam quá đơn giản? Anh N.H.D., một người am hiểu về gỗ nhập khẩu, từng làm trong một công ty gỗ lớn nhất miền Bắc chia sẻ: “Thực ra bản thân bọn mình làm gỗ nhiều khi cũng còn không phân biệt được bởi gỗ nước ngoài nó không có tính chất như gỗ Việt Nam. Gỗ Việt Nam thì mình xem nhiều rồi, phân biệt rất dễ. Ví dụ lim ở Việt Nam mình khác với lim nước ngoài nên rất khó nói chính xác. Chỉ là tính chất loại gỗ đó ở nước ngoài nó na ná giống gỗ lim của Việt Nam thì người ta đặt là lim thôi.
Ví dụ, gỗ lim nhập bên Nam Phi nó nhẹ hơn bên mình nhiều, độ co giãn của nó cũng lớn hơn, chất lượng không bằng lim Việt Nam nhưng nó vẫn có 50% tính chất giống lim Việt Nam. Chính vì thế, khi dân làm gỗ muốn nhập lậu các loại gỗ quý bị cấm đều làm giả tờ khai ngay từ bên kia. Vì là gỗ nước ngoài nên đa số các công ty thường nhập nhằng giữa các loại gỗ, rất khó kiểm định”.
Mánh của các công ty nhập khẩu gỗ là khai các loại gỗ vào nhóm II hoặc nhóm III, được phép nhập khẩu và chịu thuế cao hơn. Thông thường, trong tờ khai hải quan các công ty ghi một loại gỗ nào đó. Khi cán bộ hải quan mở công hàng ra thấy gỗ thì biết là gỗ. Thủ tục kiểm tra gỗ của hải quan chỉ là kiểm tra về thực vật, về vi khuẩn, các bệnh dịch lây lan.
Các chủ công hàng biết “điểm yếu” hải quan không có cán bộ chuyên môn sâu làm nhiệm vụ cắt miếng gỗ đi kiểm tra thành phần, tính chất của gỗ nên họ lợi dụng việc này. Trừ khi lô hàng có trục trặc thì người ta (cán bộ hải quan – PV) mới mang đi kiểm định chứ bình thường chỉ mở công ra thì biết là gỗ thôi. Thủ tục để xác định chủng loại gỗ của hải quan Việt Nam cũng mất thời gian, đủ để doanh nghiệp tìm phương án tháo chạy an toàn nên gỗ quý hay được nhập khẩu về Việt Nam rồi sang Trung Quốc là thế, anh D. cho biết.
Theo VTC